thi hành án dân sự là gì?
Thi hành án dân sự là hoạt động thực thi phán quyết của Tòa án liên quan đến các vấn đề về tài sản trong các bản án hình sự, dân sự, lao động, hành chính, kinh doanh thương mại, hôn nhân và gia đình… bảo đảm cho quyết định có hiệu lực của Tòa án được thi hành trên thực tiễn.
Trong quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan Thi hành án dân sự phải thực hiện nhiều trình tự, thủ tục khác nhau như: thông báo, xác minh điều kiện của người phải thi hành án, áp dụng các biện pháp vận động, thuyết phục, tổ chức thỏa thuận thi hành án, áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án (trong đó phổ biến, thường xuyên nhất là biện pháp kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án hoặc tài sản của người thứ ba), thẩm định giá, bán đấu giá… để đạt được mục đích cuối cùng là thu được tiền, tài sản nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước.
Trong hoạt động Thi hành án dân sự, nếu như người được thi hành án luôn mong muốn việc thi hành án thật nhanh, nhận lại tiền, tài sản theo nội dung bản án, quyết định của Toà án thì ngược lại, người phải thi hành án lại mong muốn kéo dài việc thi hành án để có thời gian thu xếp việc thi hành án hoặc đề nghị xem xét lại bản án do chưa đồng ý với phán quyết của Toà án.